Tỉnh Cà Mau có 13 dân tộc thiểu số anh em, với 11.994 hộ, 52.997 người, đông nhất là đồng bào dân tộc Khmer có 7.801 hộ với 33.439 người, đồng bào dân tộc Hoa có: 1.954 hộ với 9.418 người. Trong điều kiện tỉnh nhà còn nhiều khó khăn, còn nhờ sự hỗ trợ ngân sách từ Trung ương nhưng những năm qua tỉnh Cà Mau luôn quan tâm chăm lo phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tích cực triển khai thực hiện nhiều chương trình, chính sách quan trọng như: đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt, hỗ trợ vốn, kỹ thuật phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo bền vững. Có thể thấy rằng, hiện nay kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc được tăng cường đầu tư, lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt được nhiều kết quả tích cực, công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngày càng tốt hơn, bản sắc văn hoá các dân tộc được quan tâm bảo tồn và phát triển, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm... Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh được phân công phụ trách xã, phường, thị trấn có đông đồng bào dân tộc Khmer và các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% trở lên theo tinh thần Quyết định số 494-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn tích cực quan tâm chăm lo, kiên trì tổ chức thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực.
Hiện nay, hệ thống chính sách thực hiện trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi của Nhà nước ta có gần 160 văn bản quy phạm pháp luật. Các chính sách dân tộc, nổi bật nhất là Chương trình 135 giai đoạn II đã đi vào cuộc sống, phát huy sự sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, phát huy nguồn lực của nhân dân và toàn xã hội, từng bước làm thay đổi bộ mặt kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Các chương trình, dự án được thực hiện ở vùng đồng bào dân tộc đã và đang thổi luồng sinh khí mới, động viên nhân dân chung sức, chung lòng xây dựng quê hương, bảo vệ bản sắc văn hóa truyển thống tốt đẹp và phát triển cộng đồng dân tộc mình, góp phần phát triển quê hương Cà Mau giàu đẹp. Những chính sách và thành tựu đã qua đã thể hiện tính ưu việt của chế độ Xã hội chủ nghĩa, thể hiện đường lối nhất quán và sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và đối với vùng đồng bào dân tộc. Tuy vậy, qua giám sát của HĐND các cấp và phản ánh của cử tri tỉnh nhà, trong tình hình mới công tác chăm lo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng còn một số khó khăn cả về chủ quan và khách quan cần đẩy mạnh sự quan tâm chỉ đạo. Cụ thể các mặt như sau:
Các ngành, các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc, các ngành và các địa phương phải coi nhiệm vụ phát triển vùng dân tộc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, phải ưu tiên tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển vùng dân tộc trong những năm tới. Theo Quyết định số 2405/QĐ-TTg phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2014 và năm 2015, tỉnh Cà Mau có 11 xã, trong đó đa số là các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer. Tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 01/2012/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc; triển khai thực hiện Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2013 - 2015 và Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Xây dựng và triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, xác định một số nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc. Tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, các nguồn vốn hợp pháp khác, các nhà tài trợ) để thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc. Trong thời gian tới, công tác dân tộc cần tập trung giải quyết công tác xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững, theo hướng: Nắm chắc tình hình, rà soát, hỗ trợ kịp thời đồng bào phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, giải quyết việc làm... để tạo và tăng nguồn thu nhập, chủ động thoát nghèo vươn lên khá giàu; thực hiện tốt chính sách khuyến khích trồng rừng và bảo vệ rừng, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số các huyện có rừng.
Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành chức năng tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, huy động, bố trí các nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình, dự án trên địa bàn với chính sách dân tộc, khắc phục việc đầu tư dàn trải, ưu tiên tập trung xây dựng nông thôn mới ở những xã đặc biệt khó khăn. UBND tỉnh ban hành và chỉ đạo ngành chức năng triển khai thực hiện tốt Kế hoạch thực hiện chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2014 - 2015, theo tinh thần Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tích cực triển khai thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, quan tâm làm tốt các chính sách hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, chính sách hỗ trợ định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt quan tâm vấn đề nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, xoá đói giảm nghèo và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, bảo đảm thế trận an ninh, quốc phòng toàn dân.
Rà soát các chính sách hỗ trợ giáo dục và đào tạo để đảm bảo con em hộ nghèo, cận nghèo người dân tộc thiểu số được đến trường. Tiếp tục quan tâm chăm lo tốt hơn cho các trường dân tộc nội trú, bán trú. Đồng thời tích cực thực hiện chính sách cử tuyển, dự bị đại học theo chuyên ngành, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng dân tộc; xây dựng chính sách đào tạo nghề đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống về ngôn ngữ và chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer.
Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình, dự án, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các cấp, đặc biệt cấp cơ sở; có cơ chế khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia các chương trình, dự án ở vùng dân tộc. Qua rà soát, kiểm tra cần chỉ đạo khẩn trương hoàn thành các đề án, chính sách đầu tư, hỗ trợ ổn định đời sống đối với đồng bào dân tộc thiểu số di dân tự do; chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt cho các hộ nghèo, đời sống khó khăn; chính sách hỗ trợ cho các hộ cận nghèo vùng dân tộc và miền núi để đảm bảo thoát nghèo bền vững.
Nâng cao năng lực, trách nhiệm của các cơ quan làm công tác dân tộc. Đổi mới phương pháp tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc, hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật cụ thể, thiết thực, chọn mô hình thích hợp cho từng vùng, từng cộng đồng dân tộc thiểu số để phát huy khả năng sẵn có, thúc đẩy sản xuất hiệu quả, nâng cao đời sống nhân dân. Xây dựng, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở là nhân tố có tính quyết định trong việc thực hiện chính sách, đặc biệt cần tăng cường năng lực thực hiện chính sách dân tộc cho cán bộ ở cơ sở.
Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác dân tộc, chính sách dân tộc nhất quán của Đảng và Nhà nước để đồng bào hiểu rõ vai trò, vị trí của mình và cùng nhau tích cực tham gia đóng góp phát triển tỉnh nhà. Không ngừng đổi mới các hình thức tuyên truyền phù hợp, hấp dẫn, lôi cuốn để đồng bào tích cực tham gia qua đó nâng cao nhận thức, có ý thức tự vươn lên trong cuộc sống, không ỷ lại, không bị kẻ xấu lôi kéo. Đồng thời chính quyền cần sâu sát, nắm chắc tình hình ở cộng đồng dân cư và kịp thời xử lý những vấn đề bức xúc, giải quyết kịp thời những quyền lợi chính đáng của đồng bào, từng bước nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Thanh Hương